Tin tức

Tăng cường hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Trường Đại học Báchkhoa Marche, Italy trong Bảo tồn di sản, phát triển du lịch miền Trung Việt Nam

Trong khuôn khổ Nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo Nghị định thư Việt Nam - Cộng hòa Italy “Nghiên cứu định hướng giải pháp bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin”, Mã số NĐT/IT/22/17 giai đoạn 2022 - 2025, từ ngày 11 đến ngày 22 tháng 4 năm 2025, đoàn công tác của Trường Đại học Khoa học (HUSC), Đại học Huế do PGS. TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng, dẫn đầu đã có chuyến làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Marche (UNIVPM), Cộng hòa Italy. Tham gia đoàn còn có các cán bộ thành viên Nhiệm vụ gồm: PGS.TS. Hoàng Văn Hiển (Chủ nhiệm Nhiệm vụ), PGS. TS. Hoàng Công Tín, PGS. TS. Trần Thanh Nhàn, TS.KTS. Lê Ngọc Vân Anh và ThS. Nguyễn Lê Phú Hải. Đây là dịp quan trọng để hai bên củng cố quan hệ đối tác, trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và đề xuất những định hướng hợp tác mới.

 Tại trụ sở Ban Giám hiệu UNIVPM, PGS. TS. Võ Thanh Tùng và đoàn công tác đã có buổi làm việc chính thức với GS. Marco D’Orazio, Phó Hiệu trưởng UNIVPM, cùng các giáo sư Fausto Pugnaloni (nguyên lãnh đạo UNIVPM, Giáo sư Danh dự Đại học Huế), Eva Savina Malinverni (Chủ nhiệm Nhiệm vụ phía Italy), Antonello Alici... Các bên đã tái khẳng định cam kết tiếp tục thực hiện dự án hợp tác song phương mang tên “Nghiên cứu định hướng giải pháp bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trên ứng dụng công nghệ thông tin”. Dự án này đã được triển khai từ tháng 12 năm 2022 và dự kiến kết thúc vào năm 2025. Mục tiêu của Nhiệm vụ là: Xác định giá trị di sản văn hóa của hệ thống di sản văn hóa ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; Đánh giá tiềm năng di sản văn hóa và thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu, bảo tồn của ba tỉnh; Xây dựng cơ sở dữ liệu các di sản văn hóa tiêu biểu Xây dựng mô hình bảo tồn gắn với phát triển du lịch trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nhiệm vụ này sẽ góp phần thiết thực cho công tác bảo tồn di sản và phát triển vùng miền tại miền Trung, Việt Nam.

Tại Hội thảo Đánh giá kết quả hợp tác Nhiệm vụ được tổ chức tại Khoa Kỹ thuật - UNIVPM, đoàn công tác HUSC đã trình bày Báo cáo tổng hợp tiến độ thực hiện dự án, đồng thời đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng như phát triển bền vững vùng đầm phá và ven biển miền Trung Việt Nam, bảo tồn di sản trong bối cảnh biến đổi khí hậu, và xây dựng cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý di sản. Các giáo sư phía UNIVPM cũng chia sẻ nhiều chuyên đề chuyên sâu về công nghệ viễn thám, bảo tồn văn hóa gắn với thích ứng khí hậu, quản lý tài nguyên nước góp phần làm phong phú thêm các hướng nghiên cứu tương lai.

Ngoài các buổi hội thảo và làm việc chính thức, đoàn công tác còn tham quan, tìm hiểu mô hình quản lý di sản tại Cảng Marina Dorica, khu di tích Mole Vanvitelliana và Bộ Di sản Văn hóa và Du lịch vùng Marche. Qua đó, đoàn thu nhận nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu về bảo tồn di sản kết hợp phát triển du lịch bền vững, quản lý cơ sở hạ tầng di sản và ứng dụng công nghệ số trong giám sát bảo tồn.

Chuyến công tác đã diễn ra thành công tốt đẹp, đúng mục tiêu và nội dung đã đề ra. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh trao đổi học thuật, mở rộng hợp tác nghiên cứu và đào tạo, tổ chức các hội thảo quốc tế thường niên, đồng thời xây dựng đề án hợp tác mới giai đoạn 2025 - 2030, tập trung vào các chủ đề cấp thiết như biến đổi khí hậu, bảo tồn di sản và phát triển đô thị bền vững. Các nội dung hợp tác dự kiến sẽ được cụ thể hóa thông qua những chương trình đào tạo ngắn hạn, khóa học chuyên đề và hoạt động trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh giữa hai trường.

Chuyến công tác không chỉ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác khoa học giữa Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Trường Đại học Bách khoa Marche, mà còn mở ra nhiều triển vọng mới trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn di sản và phát triển bền vững khu vực miền Trung Việt Nam trong những năm tới.

Một số hình ảnh chuyến công tác:

 

 PGS.TS. Hoàng Công Tín giới thiệu thành phần Đoàn công tác của HUSC

GS. Marco D’Orazio, Phó Hiệu trưởng UNIVPM giới thiệu về Trường

Trao đổi giữa lãnh đạo và các thành viên Nhiệm vụ của HUSC và UNIVPM

GS. Marco D’Orazio tặng quà lưu niệm cho các thành viên HUSC

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng HUSC tặng quà lưu niệm cho UNIVPM

PGS.TS. Võ Thanh Tùng tặng quà lưu niệm cho GS. Fausto Pugnaloni

PGS.TS. Võ Thanh Tùng tặng quà lưu niệm cho GS. Antonello Alici

PGS.TS. Hoàng Văn Hiển tặng quà lưu niệm cho GS. Eva Savina Malinverni

 

PGS.TS. Võ Thanh Tùng, phát biểu tại Hội thảo Đánh giá kết quả hợp tác Nhiệm vụ

PGS.TS. Hoàng Văn Hiển và TS.KTS. Lê Ngọc Vân Anh trình bày Báo cáo Báo cáo tổng hợp tiến độ thực hiện dự án

GS. Fausto Pugnaloni chia sẻ chuyên đề chuyên sâu

GS.Eva Savina Malinverni chia sẻ chuyên đề chuyên sâu

GS.Antonello Alici chia sẻ chuyên đề chuyên sâu

PGS.TS. Hoàng Công Tín đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng trong hợp tác giữa HUSC và UNIVPM trong thời gian tới

PGS.TS. Trần Thanh Nhàn đề xuất các hướng nghiên cứu mở rộng trong hợp tác giữa HUSC và UNIVPM trong thời gian tới

Trao đổi chuyên môn tại Khoa Kỹ thuật, UNIVPM

Trao đổi chuyên môn với lãnh đạo Cảng Marina Dorica về mô hình quản lý di sản tại vùng biển

Chụp ảnh lưu niệm

Tin và ảnh: Đoàn công tác

 

Người đăng: Trần Thị Mai Thi

Thông tin tuyển sinh

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh và nộp hồ sơ

Chương trình ERASMUS+

Phát triển chương trình đào tạo Thạc sĩ Sinh thái nông nghiệp