Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Khoa Lý luận chính trị

THÔNG TIN VỀ KHOA VÀ CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

THÔNG TIN VỀ KHOA VÀ CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

1) Thông tin về Khoa

Khoa Lý luận chính trị (tiền thân là Khoa Mác – Lênin) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các bộ môn Mác – Lênin của các trường đại học thành viên Đại học Huế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ giảng dạy các môn Lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lôgic học, Chính trị học, Những Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam) cho các trường thành viên thuộc Đại học Huế như Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nghệ Thuật, Trường Đại học Luật, Khoa Du Lịch và Khoa Giáo dục Thể chất. Cùng với 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Khoa học, Khoa Lý luận chính trị không ngừng phát triển và lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Khoa Lý luận chính trị có 4 bộ môn: Triết học, Chủ nghĩa xã hội Khoa học, Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh với 29 cán bộ cơ hữu; trong đó có 1 PGS, Giảng viên Cao cấp, 5 giảng viên chính, 8 Tiến sĩ, 21 Thạc sĩ, 4 NCS. Ngoài ra, Khoa còn hợp tác đào tạo với những nhà khoa học có học hàm, học vị cao như Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ có uy tín trong lĩnh vực Triết học ở Viện Triết học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Triết học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Triết học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.v.v...

Hiện nay, Khoa có 2 chuyên ngành đào tạo là Triết học ở 2 bậc Cử nhân và Thạc sĩ (và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để mở mã ngành Tiến sĩ); và Quản lý nhà nước ở bậc cử nhân. Từ khi được Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo chuyên ngành cho đến nay, Khoa đã có 24 khóa tốt nghiệp Cử nhân Triết học với gần 1.500 sinh viên. Trong số những sinh viên đã tốt nghiệp có hơn 200 người trở thành giảng viên giảng dạy các môn Lý luận chính trị cho các trường đại học, học viện chính trị, các trường cao đẳng, trung cấp trên cả nước. Về đào tạo Thạc sĩ đến nay đã đào tạo được 17 khóa; trong đó có 15 khóa đã tốt nghiệp, 2 khóa đang theo học.

Những sinh viên, học viên cao học do Khoa Lý luận chính trị đào tạo sau khi tốt nghiệp hầu hết công tác tại các cơ quan như Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, các tỉnh, huyện, các trường chính trị, Học viện chính trị, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Quân đội Nhân dân, trở thành những phóng viên báo chí ở địa phương và Trung ương. Nhìn chung các sinh viên đều phát huy tốt chuyên môn được đào tạo, nhiều người đã trưởng thành giữ những chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể - xã hội. Có những người trở thành giảng viên, cán bộ giảng dạy ở các trường đại học, học viện đã đạt được những học vị cao như Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Về nghiên cứu khoa học. Song hành với nhiệm vụ giảng dạy thì nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Tính đến thời điểm hiện nay, khoa đã chủ trì 15 đề tài khoa học cấp Bộ, 8 đề tài cấp Cơ sở Đại học Huế, trong đó có 5 đề tài đã nghiệm thu đạt loại khá trở lên, 3 đề tài đang thực hiện; 21 đề tài cấp Trường Đại học Khoa học và nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh, huyện. Xuất bản 13 giáo trình đại học và sau đại học, 5 sách chuyên khảo và hàng chục tài liệu tham khảo, hướng dẫn học tập tại các nhà xuất bản lớn của Trung ương và địa phương như: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Giáo dục, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Đại học Huế, Nhà xuất bản Thuận Hóa..v.v...

Cùng với các hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, Khoa còn đặc biệt chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Hội Nghị khoa học sinh viên được tổ chức định kỳ 2 năm/1 lần. Đây là điều kiện thuận lợi để giúp sinh viên tìm tòi nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, góp phần mở rộng kiến thức, nắm vững các kỹ năng nghiên cứu một cách thuần thục. Nhiều đề tài nghiên cứu của sinh viên đạt các giải lớn của toàn quốc như giải Kova, giấy khen của Đại học Huế, Trường Đại học Khoa học.

2) Thông tin về ngành đào tạo Triết học

Triết học là một môn khoa học xuất hiện sớm nhất trong tất cả các môn khoa học xã hội và nhân văn. Từ thời cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây người ta đều cho rằng “một xã hội lý tưởng phải là một xã hội được quản lý bởi các nhà thông thái”(triết học). Trong xã hội hiện đại ngày nay, câu nói này càng có ý nghĩa thiết thực hơn đối với những người lãnh đạo, bởi một nhà lãnh đạo giỏi sẽhạn chế được những sai lầm trong hoạch định chính sách đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn triết học. Điều đó cũng có nghĩa, chính bản thân bạn cũng có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai nếu bạn có tri thức triết học.

 Trường Đại học Khoa học là nơi đào tạo chuyên ngành triết học có uy tín, sẽ cung cấp cho người học những hiểu biết cơ bản và chuyên sâu về triết học sau khi tốt nghiệp. Người học sẽ có những hiểu biết, có những kiến thức liên ngành về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ; những kiến thức của khoa học tự nhiên liên quan đến triết học; những kiến thức cơ bản các khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; những kiến thức chuyên sâu về chủ nghĩa Mác – Lênin với tư cách là thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong nhận thức và hoạt động thực tiễn; những kiến thức về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, phương Tây qua một số triết gia tiêu biểu; có kiến thức và nghiệp vụ giảng dạy và nghiên cứu triết học; nắm vững kiến thức về lý luận và thực tiễn đời sống chính trị.

Đối với chuyên ngành đào tạo Cử nhân Triết học tại Trường Đại học Khoa học Huế, sinh viên được miễn 100% học phí. Những sinh viên học giỏi sẽ được nhận học bỗng của nhà trường hàng năm. Ngoài ra, còn được nhận thêm những suất học bỗng từ quỹ mà các doanh nghiệp, các công ty, những nhà tài trợ cho quỹ khuyến học của Khoa Lý luận chính trị.

- Nhu cầu về thị trường tuyển dụng: Trong hệ thống chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay các cơ quan, đơn vị, các tổ chức xã hội rất cần đến những cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ triết học để phục vụ những công việc sau:

+ Đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu có các đơn vị như: Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Triết học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Triết học, Khoa Lý luận chính trị, Giáo dục chính trị của các trường đại học và cao đẳng, các trường trung cấp và các trường Trung học Phổ thông.

+ Đối với cán bộ viên chức và công chức: Văn phòng các tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân các tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn, Ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương, Văn phòng Đảng ủy các đơn vị, trường học, các Sở, Ban ngành ở Trung ương và địa phương; Tham gia vào đội ngũ cố vấn lý luận cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền về đường lối, phương hướng phát triển đất nước, địa phương trong thời kỳ hội nhập và đổi mới; các tổ chức đoàn hội, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Triển vọng về nghề nghiệp: Cử nhân triết học có năng lực tư duy, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, có thể làm việc trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học triết học và các môn lý luận chính trị. Cử nhân triết học có thể được chuyển tiếp thi lên bậc học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) để trở thành những chuyên gia có trình độ cao trong các lĩnh vực: Triết học, Lý luận chính trị và các lĩnh vực khoa học xã hội khác.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân triết học bạn có thể bổ túc thêm kiến thức của bất cứ ngành nghề nào mà mình lựa chọn, kể cả việc kinh doanh hay tham gia vào lĩnh vực truyền thông đại chúng như phóng viên, biên tập viên báo chí truyền hình; kinh doanh, đầu tư, luật sư, phê bình nghệ thuật, quản lý khoa học công nghệ. Là những người tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần định hướng dư luận xã hội.

3) Thông tin về ngành đào tạo Quản lý nhà nước

Từ năm 2019 Khoa Lý luận chính trị đã bắt đầu tuyển sinh cho ngành Quản lý nhà nước, một ngành học đầy tiềm năng và thực tế.

Quản lý nhà nước là một trong những chuyên ngành được đào tạo rộng rãi và phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực; đặc biệt là những nước có nền kinh tế, chính trị, giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy sĩ, Australia, Nga, Nhật Bản, Singapore,... Ở Việt Nam, quản lý nhà nước được xem là một nghề đặc biệt trong xã hội. Đây là công việc dựa trên sử dụng quyền lực công để điều hành, quản lý các hành vi của tổ chức, cá nhân trong xã hội, nhằm đảm bảo ổn định và phát triển xã hội, theo các mục tiêu mà Nhà nước đã đề ra. Do sử dụng quyền lực công nên phạm vi tác động và đối tượng tác động rộng làm cho những hoạt động này có ảnh hưởng lớn trong xã hội.

Trong quá trình đào tạo, người học sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về quản lý hành chính nhà nước. Sau khi tốt nghiệp có khả năng thực hiện các công việc quản lý hành chính, có thể nêu lên những giải pháp hoặc sáng kiến giúp loại bỏ những vấn đề còn hạn chế trong thủ tục hành chính hiện nay.

Người có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý nhà nước có thể đảm nhận công việc của chuyên viên trong các cơ quan hành chính hoặc có cơ hội tìm những công việc liên quan tới quản trị trong các tổ chức kinh tế - xã hội cả ở khu vực công và khu vực tư. Theo số liệu thống kê, có tới hơn 90% số sinh viên tốt nghiệp ngành này có việc làm và thu nhập rất ổn định ở các vị trí cốt cán trong xã hội. Trong tương lai, những cử nhân Quản lý nhà nước có cơ hội thành đạt và thăng tiến trong con đường chức nghiệp; có thể đảm nhiệm công việc ở vị trí lãnh đạo, quản lý, chuyên viên hành chính các khu vực công và khu vực tư, đặc biệt là hệ thống chính quyền ở cấp xã, huyện, tỉnh và Trung ương; nghiên cứu viên về khoa học hành chính, khoa học quản lý ở các cơ sở nghiên cứu, các cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược, chính sách của Đảng và nhà nước; làm công tác giảng dạy về khoa học hành chính, khoa học quản lý tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; người học có khả năng soạn thảo các loại văn bản hành chính, văn bản quản lý nhà nước; lập kế hoạch tuyển dụng, bố trí nhân sự, kiểm tra và đánh giá nhân sự; quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu; tổ chức hội họp, tiếp khách; sắp xếp, tổ chức công sở, phòng làm việc khoa học; có khả năng phân tích và đánh giá thực trang của việc quản lý hành chính Nhà nước trong các lĩnh vực; giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, hoạch định các chính sách công; nghiên cứu khoa học hành chính, khoa học quản lý; trở thành giảng viên giảng dạy các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Quản lý nhà nước trong các Học viện, trường đại học, cao đẳng, các trường chính trị và có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn ở bậc sau đại học chuyên ngành Quản l‎ý nhà nước, Quản lý hành chính, Hành chính công, Chính trị học trong và ngoài nước.

Người đăng: Khoa Lý luận chính trị