Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Khoa Lý luận chính trị

TRIẾT HỌC, ĐƯỜNG THÊNH THANG ĐI ĐẾN THÔNG THÁI

Con người xuất hiện trên thế giới đã nhiều vạn năm nhưng phải đến phương thức sản xuất thứ hai- phương thức chiếm hữu nô lệ, cách đây hơn 3000 năm – mới có triết học. Sự ra đời của triết học phản ánh trình độ trưởng thành của tư duy nhân loại. Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Sự hiểu biết từ vụn vặt lẻ tẻ của kinh nghiệm chuyển thành tư duy hệ thống với những khái niệm trừu tượng. Sự trưởng thành đó làm cho nhiều nhà tri thức cổ đại đã phải thốt lên: triết học bắt đầu bằng ngạc nhiên. Ngạc nhiên về năng lực tư duy của mình và ngạc nhiên về sức mạnh của triết học trong khám phá tự nhiên, khám phá con người.

Người ta tìm thấy không ít những quan niệm của thần thoại và tôn giáo mà các nhà triết học đầu tiên chịu ảnh trong hệ thống của mình. Thần thoại và tôn giáo là những thế giới quan đầu tiên của nhân loại. Triết học là hình thức tiếp theo nên không thể không tiếp nhận và ảnh hưởng. Đó là quan niệm của nhà sử học Scotland Thoma Carlyle (1795 - 1881) đã lý giải sự tiến lên của tư duy nhân loại: “chúng ta thấy tâm trí của tiền nhân qua từng trang sách” (In books lies the soul of the whole past time). Như vậy sự ra đời của triết học và triết học không phải là sản phẩm tự thân mà là kết quả tinh lọc từ hàm lượng tri thức mà nhân loại có được. Điều đó cũng giải thích vì sao triết học không thể đứng bên ngoài hay cao hơn xã hội;liên minh giữa triết học và khoa học bao giờ cũng là liên minh có ý nghĩa cao nhất của thời đại.
Với quan niệm triết học là khoa học của mọi khoa học đã từng tồn tại trong lịch sử triết học, không hề làm tăng lên sức mạnh của tri thức triết học. Về mặt khoa học, chưa từng có khoa học vạn năng. Cho đến nay, mọi khoa học đều bao chứa trong nó mối quan hệ của chung- riêng. Triết học là khoa học về phương pháp. Trong vai trò đó, triết học chỉ dẫn cho hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người cùng hướng với quy luật khách quan, tránh khỏi mò mẫm, để có thể đạt hiệu quả cao nhất trong tác nghiệp. Lịch sử triết học cho thấy ngay triết học cũng có sự phân tầng, chia phái vì vậy vai trò này ở những trường phái khác nhau là khác nhau.
Aristoteles ( 384-322), ông là nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời kỳ cổ đại đã nói về sự cần thiết của triết lý[ Triết học và triết lý đều dùng Philosophy] một cách hóm hỉnh: “Con người có cần triết lý không? Hoặc là cần hoặc là không cần. Nếu cần thì không có vấn đề gì, mọi thứ đều dễ hiểu. Nếu con người không cần triết lý thì ít ra cũng phải triết lý một chút để luận chứng cho quan niệm không cần triết lý. Kết luận đơn giản và hiển nhiên. Con người phải triết lý trong mọi trường hợp”.
Trong con mắt của nhà lôgíc học, Aristoteles đã nhìn thấy lôgíc hiện hữu của triết học. Đó là cái lý của tồn tại. Nắm được cái lý đó là hiểu được chân rễ của mọi thứ ở đời. Đó là con đường đưa người ta đến thông thái [Ở Hy lạp cổ đại triết học có nghĩa là dạy cho con người ta trở nên thông thái].Vậy thì có cần phải có một triết lý vì sao con người phải học triết học nữa hay không? Vấn đề là ở chỗ mỗi chúng ta hãy đối diện với chính mình và chuẩn bị hành trang để từng bước, bước vào sự thông thái không chậm trễ.
Người đăng: Khoa Lý luận chính trị