Tin tức
Nghiệm thu Đề tài cấp Bộ do ThS. Trương Đình Trọng, Phó trưởng Khoa ĐL-ĐC làm chủ nhiệm
Sáng ngày 24/02, Trường Đại học Khoa học đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài cấp Bộ “ Nghiên cứu, đánh giá mức độ suy thoái đất đai và đề xuất mô hình sử dụng hợp lý ở vùng cát ven biển Tỉnh Quảng Trị” do ThS. Trương Đình Trọng, Khoa ĐL-ĐC cùng nhóm các thành viên thực hiện.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng luận cứ khoa học cho việc bảo vệ tài nguyên và môi trường đất vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá mức độ suy thoái môi trường đất. Đồng thời đề tài cũng tiến hành đề xuất các mô hình sử dụng hợp lý vùng cát đảm bảo cân bằng sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững của khu vực nghiên cứu.
Để đạt được mục tiêu đó, tác giả đã đi vào nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình suy thoái môi trường đất ở khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị; Phân tích nguyên nhân, thực trạng, ảnh hưởng của các quá trình suy thoái môi trường đất ở khu vực nghiên cứu; Khảo sát thực địa, đào phẫu diện lấy mẫu đất và phân tích một số tính chất hoá lý của đất để phân tích và kiểm chứng mức độ suy thoái môi trường đất; Xây dựng quy trình và phương pháp đánh giá mức độ suy thoái môi trường đất ở khu vực nghiên cứu; Đánh giá mức độ suy thoái của các dạng suy thoái môi trường đất chủ yếu; Đề xuất các mô hình, giải pháp nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của quá trình suy thoái môi trường đất đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân
Qua quá trình nghiên cứu. tác giả đã rút ra được các kết luận như sau:
1. Vùng cát tỉnh Quảng Trị có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, đây là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuy nhiên, do kiện tự nhiên phân hoá rất phức tạp với các dải cát và cồn cát chạy dọc theo biển nên tại khu vực này khả năng suy thoái môi trường đất rất lớn.
2. Hiện nay, vùng cát tỉnh Quảng Trị đang được khai thác và cải tạo tuy nhiên các quá trình suy thoái môi trường đất đang diễn ra, trong đó quá trình cát bay xảy ra mạnh gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất cũng như đến đời sống và sản xuất của người dân đặc biệt là vùng cát ở hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong.
3. Kết quả đánh giá định lượng mức độ cát bay tại vùng cát tỉnh Quảng Trị bằng công thức toán học cho thấy: lượng cát bay tại khu vực là là từ 74,30 - 182,69 Kg/ha/giờ, hằng năm vùng cát mở rộng thêm từ 0,3375 - 2,55 ha và mất đi một lượng mùn là 7.322,23 - 18.053,42 tấn.
4. Kết quả đánh giá định lượng mức độ cát bay tại vùng cát tỉnh Quảng Trị bằng thực nghiệm cho thấy: lượng cát bay tại vực là 80,07 g/m2/ngày.
5. Kết quả đánh giá mức độ nhiễm mặn và suy giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất đang diễn ra trên một phạm vi rộng cần phải có những biện pháp khắc phục.
6. Quá trình suy thoái môi trường đất đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân tại khu vực mà đặc biệt là môi trường đất do đó, cần phải có các giải pháp, các mô hình phòng chống quá trình cát bay xảy ra.
7. Việc sử dụng và cải tạo đất cát còn nhiều hạn chế, diện tích đất chưa sử dụng còn rất lớn đặc biệt là các xã ven biển. Các mô hình phòng chống cát bay còn nhỏ lẻ, thực hiện không triệt để. Việc áp dụng cát mô hình chống cát bay tại khu vực còn gặp nhiều hạn chế.
8. Nhằm góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên đất vùng cát, tác giả đã đề xuất 04 mô hình cải tạo và sử dụng hợp lý vùng cát.