Tin tức
Nhiều ngành học hấp dẫn về lĩnh vực môi trường tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế - DHT
Sự tăng trưởng vượt trội của các ngành công nghiệp đã và đang kéo theo hệ lụy ô nhiễm và suy thoái môi trường. Trước tình hình đó, rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương vô cùng hấp dẫn cho nhân sự ngành môi trường. Hiện có nhiều ngành học tại Khoa Môi trường và Khoa Địa lý – Địa chất (trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) liên quan đến lĩnh vực môi trường, qua đó đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế là đơn vị đào tạo và nghiên cứu có uy tín và bề dày thành tích ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển (1957 - 2020), Trường hiện đã xây dựng được một mô hình giáo dục hiện đại, đa ngành nghề, nhiều tiềm năng hợp tác quốc tế và liên kết với các doanh nghiệp.
Nhà trường có 13 khoa, 5 trung tâm nghiên cứu, 1 viện nghiên cứu. Đội ngũ giảng viên, cán bộ hiện có 3 giáo sư, 44 phó giáo sư, 67 tiến sĩ và 197 nghiên cứu sinh, thạc sĩ; đã đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ với hơn 1.535 đề tài khoa học cùng nhiều bài báo quốc tế có uy tín.
Trong số các khoa của trường, có 2 khoa đã và đang đào tạo liên quan đến lĩnh vực môi trường – một lĩnh vực được xem là “nóng” hiện nay và trong tương lai, đó là khoa Môi trường và Khoa Địa lý - Địa chất.
Sinh viên khoa Môi trường thực hành tại phòng thí nghiệm
Khoa Môi trường
Ngày 28/4/2000, Bộ môn Khoa học Môi trường trực thuộc Trường Đại học Khoa học được thành lập và giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo cử nhân Khoa học Môi trường. Sau 5 năm thành lập, Bộ môn được nâng cấp thành Khoa Môi trường theo Quyết định số 202/QĐ-ĐHH-TCNS ngày 28/3/2005 của Giám đốc Đại học Huế. Kể từ năm học 2006 -2007, Khoa Môi trường chính thức được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học và tuyển sinh khóa Cao học đầu tiên.
Sứ mệnh của Khoa Môi trường là đào tạo bậc Tiến sĩ (ngành Khoa học môi trường), Thạc sĩ (bằng Thạc sĩ Khoa học) và 2 ngành bậc Đại học gồm ngành Khoa học Môi trường (bằng Cử nhân Khoa học) và ngành Kỹ thuật Môi trường (bằng Kỹ sư); tiến hành các nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng trong các lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu đào tạo là trang bị kiến thức cơ bản, cơ sở về khoa học môi trường, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành về quản lý môi trường, kỹ thuật môi trường và sinh thái môi trường, đủ cho người học sau khi ra trường có thể làm tốt các công việc nghiên cứu, quản lý, vận hành... trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động môi trường,...
Hiện tại, Khoa Môi trường có 16 cán bộ viên chức và hợp đồng lao động. Trong đó, đội ngũ giảng viên có 14 người, gồm 2 Phó giáo sư, 5 Tiến sĩ, 7 Thạc sĩ. Hàng năm, Khoa còn mời một số giảng viên thỉnh giảng là các GS, PGS, TS từ các khoa khác trong trường và các trường thành viên trong Đại học Huế; các trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giảng dạy một số môn trong chương trình cao học và đại học...
Khoa Môi trường trao học bổng cho các sinh viên
6 lý do để chọn học Khoa Môi trường
(1) Chương trình đào tạo gắn kết nhu cầu xã hội: Chương trình đào tạo luôn được Khoa và Trường cập nhật, điều chỉnh đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức khoa học, đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng lao động.
(2) Học kỳ thực tập cơ quan, doanh nghiệp-nhà máy (on the job training): Là thời gian bắt buộc nhằm giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm làm việc trong môi trường thực tiễn và là cơ hội để sinh viên chứng tỏ năng lực làm việc và xây dựng quan hệ với nhà tuyển dụng tương lai.
(3) Nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp: Sinh viên tốt nghiệp Cử nhân Khoa học ngành Khoa học Môi trường và Kỹ sư ngành Kỹ thuật Môi trường có thể làm việc ở nhiều cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nhà máy liên quan đến tài nguyên – môi trường như: Chuyên viên ở các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên-môi trường; Nghiên cứu viên ở các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KHCN; Giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp; Chuyên viên ở các cơ sở y tế; Cán bộ kỹ thuật, nhân viên ở các doanh nghiệp về môi trường, các tổ chức NGOs
(4) Môi trường học tập năng động, đa dạng: Sinh viên được cung cấp kiến thức chuyên môn và kỹ năng để giải quyết các vấn đề môi trường có tính chất đa lĩnh vực, đa ngành; Sinh viên được trao cơ hội nghiên cứu đổi mới sáng tạo.
(5) Cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học: Phương pháp học qua dự án (project-based learning) và cơ hội tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao công nghệ của các thầy cô Khoa Môi trường sẽ giúp sinh viên phát triển những kỹ năng nghiên cứu khoa học và làm việc ngay từ trong nhà trường.
(6) Cơ hội học tập, giao lưu và du học nước ngoài: Sinh viên của Khoa được ưu tiên xét chọn tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, thực tập ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài; Được ưu tiên giới thiệu đăng ký các chương trình học bổng Sau đại học tại các Trường Đại học trên thế giới có hợp tác với Khoa Môi trường như: Đai học Valencia (TBN); Turku (Phần Lan), các Đại học Kyoto, Yamagata, Tokyo (Nhật Bản), Đại học Ulsan, GNTECH, GIST (Hàn Quốc),…
Học tập cùng các chuyên gia đến từ châu Âu
Năm 2020, Khoa Môi trường tuyển sinh 2 ngành Khoa học Môi trường và Kỹ thuật Môi trường. Đối tượng xét tuyển là các thí sinh tốt nghiệp THPT, hình thức xét tuyển theo học bạ hoặc xét điểm thi THPT 2020. Thí sinh có thể chọn tổ hợp môn có tổng điểm trung bình của 3 môn thi tốt nghiệp hoặc kết quả lớp 12 cao nhất để xét tuyển gồm:
Ngành Khoa học Môi trường: Chỉ tiêu tuyển sinh: 50 – Mã ngành: 7440301. Mã tổ hợp môn xét tuyển: A00: Toán, Vật lý, Hóa học; B00: Toán, Hóa học, Sinh học; D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
Ngành Kỹ thuật Môi trường: Chỉ tiêu tuyển sinh: 40 – Mã ngành: 7520320. Mã tổ hợp môn xét tuyển: A00: Toán, Vật lý, Hóa học; B00: Toán, Hóa học, Sinh học; D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
Những vị trí mà sinh viên có thể làm tại Khoa Môi trường sau khi tốt nghiệp
Tiến sĩ Đường Văn Hiếu – Trưởng khoa Môi trường cho biết, từ năm 2004 đến nay, Khoa đã đào tạo hơn 1.000 cử nhân và 200 Thạc sĩ Khoa học môi trường. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành, được lãnh đạo cơ quan sử dụng đánh giá cao về chuyên môn và kỹ năng làm việc. Nhiều cựu sinh viên, học viên đã tự thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường và tạo được uy tín như công ty TCS, EUC, Vinsi Corp,… Ngoài ra, nhiều sinh viên sau tốt nghiệp đã tiếp tục học lên cao học ở trong nước và nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đóng góp nhiều công trình nghiên cứu khoa học về môi trường trên thế giới và ở Việt Nam.
“Khoa đang có nhiều chương trình dự án hợp tác về nghiên cứu khoa học và đổi mới giáo dục đại học với các nước như Anh, Bỉ, Phần Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Qua đó đã tạo điều kiện để sinh viên được tham quan học tập trong quá trình học. Để có được chương trình đào tạo hiệu quả, Khoa cũng thường xuyên thực hiện các khảo sát từ các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước, qua đó hiệu chỉnh chương trình cho phù hợp, việc này đã mang lại hiệu quả nhất định trong nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, Khoa đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để đảm bảo cho sinh viên khoa về địa điểm thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp, hướng tới đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, nhiều sinh viên trong quá trình thực tập đã có thu nhập”, Tiến sĩ Hiếu chia sẻ.
Khoa Địa lý - Địa chất
Là cơ sở đào tạo Đại học, sau Đại học duy nhất về lĩnh vực Khoa học Trái đất ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Khoa Địa lý - Địa chất tại Đại học Khoa học, Đại học Huế đã không ngừng phát triển về số lượng cán bộ, quy mô và loại hình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay Khoa đã có 24 cán bộ giảng viên, trong đó có 3PGS, 10TS, 4ThS 6NCS, trong đó có 3NCS ngoài nước. Ngoài ra, trong công tác đào tạo Đại học và sau Đại học, Khoa còn mời nhiều cán bộ GS, PGS trong và ngoài nhà trường đến giảng dạy. Năm 1993, khi Việt Nam chuẩn bị ban hành Luật bảo vệ môi trường lần đầu tiên, Khoa đã mở đào tạo chuyên ngành Địa lý Tài nguyên và Môi trường (niên khóa 1993 - 1997); đến nay đã có nhiều cán bộ được đào tạo chuyên ngành này đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường cấp Trung ương đến địa phương.
Sinh viên Khoa Địa lý Địa chất đi thực địa
Năm 2020, Khoa tuyển sinh 3 ngành đào tạo gồm: Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Kỹ thuật địa chất và Địa kỹ thuật xây dựng.
Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường tập hợp hệ thống các môn khoa học nghiên cứu những quy luật chung của các quá trình thành tạo và mối quan hệ giữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên; nghiên cứu và tìm ra các phương thức quản lý, bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường trên cơ sở phân tích thực trạng và xác định các nguyên nhân gây tác động. Điều này có ý nghĩa rất thiết thực đối với công tác tổ chức quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở phạm vi quốc gia và từng địa phương bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chương trình đào tạo đội ngũ Cử nhân khoa học có đủ kiến thức đa ngành về lĩnh vực quản lý, sử dụng và tái tạo tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; có khả năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá, đề xuất các giải pháp khoa học nhằm giải quyết những vấn đề trong thực tiễn hoạt động khai thác, bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, quản lý tài nguyên và đa dạng sinh học ở quy mô quốc gia, vùng và từng khu vực cụ thể; thực hiện quy hoạch - dự báo - phòng chống - xử lý các tai biến tự nhiên trong các hoạt động phát triển; đánh giá, lập phương án quy hoạch và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường cho các hoạt động phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở quy mô vùng và địa phương.
Chương trình đào tạo của ngành mang tính ứng dụng cao, tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Sinh viên được đi thực tập thực tế, trải nghiệm ở nhiều nơi và đặc biệt sinh viên có cơ hội được tham gia hoạt động trao đổi nghiên cứu thực địa hàng năm và trao đổi sinh viên quốc tế với trường Đại học Tottori (Nhật Bản).
Tuyển sinh ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường
Theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg ký ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì nhu cầu nhân lực ngành này khoảng 300 cán bộ đại học/năm. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí như cán bộ quản lý về lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho các cơ quan quản lý Nhà nước như các Bộ, Sở, Phòng TN&MT, Chi cục Bảo vệ Môi trường; Cán bộ quản lý đất đai ở các xã, phường, thị trấn; Cán bộ quản lý môi trường ở các công ty, nhà máy, xí nghiệp; Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu liên quan đến tài nguyên và môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường: Mã ngành: 7850101. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 45. Mã tổ hợp môn xét tuyển: B00 - Toán, Hóa học, Sinh học; C04 - Ngữ văn, Toán, Địa lý; D15 - Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh.
Cơ hội việc làm cho sinh viên Khoa Địa lý Địa chất hiện nay là rất lớn. Trong ảnh là sinh viên khoa thực tế
Ngành Kỹ thuật địa chất
Đây là ngành duy nhất ở miền Trung và Tây Nguyên đào tạo đại học, sau đại học các chuyên ngành: Địa chất công trình - Địa kỹ thuật và Địa chất thủy văn - Tài nguyên nước.
Ngành tạo kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành về công tác khảo sát, đánh giá điều kiện nền móng tất cả các loại hình công trình xây dựng (công trình dân dụng - công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy điện - thủy lợi, công trình biển,…); tìm kiếm - thăm dò - khai thác tài nguyên nước và vật liệu xây dựng tự nhiên; đánh giá dự báo và đề xuất các giải pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai do hoạt động Địa động lực và Tai biến địa chất gây ra (như trượt lở sườn dốc, lũ quét - lũ bùn đá vùng đồi núi, sạt lở - xói mòn bờ sông, bờ biển,…).
Chương trình đào tạo do đội ngũ giảng viên được đào tạo trong nước và quốc tế biên soạn và đảm nhận. Sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi có đủ điều kiện về ngoại ngữ sẽ được đảm bảo việc làm và có thể tiếp tục ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại, vì vậy nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp và đô thị là rất lớn. Hiện tại, Chính phủ đã và đang thiết lập những chính sách đặc biệt ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn để giải quyết các vấn đề khảo sát Địa chất công trình - Địa kỹ thuật và tài nguyên nước, thi công và kiểm định các loại công trình xây dựng, giải quyết các vấn đề liên quan đến các quá trình địa động lực, tai biến địa chất và môi trường… Do vậy, nhu cầu thị trường ngành này trong thời gian tới sẽ rất lớn.
Tuyển sinh ngành Kỹ thuật Địa chất
Ngành Kỹ thuật địa chất: Mã ngành: 7520501. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 30. Mã tổ hợp môn xét tuyển: A00 - Toán, Vật lý, Hóa học; B00 - Toán, Hóa học, Sinh học; D07 - Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
Ngành Địa kỹ thuật xây dựng
Đây là năm đầu tiên ngành Địa kỹ thuật được tuyển sinh, nhằm cung cấp cán bộ chuyên môn và kỹ thuật trong xu hướng xây dựng các công trình quy mô lớn của nước ta. Chương trình đào tạo do đội ngũ cán bộ nhiều kinh nghiệm trong nước và cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn ở nước ngoài (như Nhật Bản, Hàn Quốc) đảm nhận nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tiên tiến trong công tác thí nghiệm - xử lý số liệu - tính toán thiết kế - kiểm định công tác thi công và chất lượng nền móng công trình xây dựng cùng các vấn đề về môi trường phát sinh.
Ngoài ra, chương trình đào tạo và thí nghiệm thực hành trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tái chế - vật liêu xây dựng thân thiện nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công cuộc phát triển công nghiệp của đất nước. Sinh viên tốt nghiệp dễ dàng có việc làm và có thể tiếp tục học tập ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ trong nước và nước ngoài.
Tuyển sinh ngành Địa Kỹ thuật xây dựng
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong các lĩnh vực và vị trí như Chuyên viên và cán bộ kỹ thuật tại các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án xây dựng; Kỹ sư tại các doanh nghiệp sản xuất và các tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực: khảo sát - tư vấn - thiết kế và thi công các loại hình công trình xây dựng, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng; Cán bộ kỹ thuật, quản lý tại các phòng thí nghiệm chuyên môn về Địa kỹ thuật, cơ học đất đá và vật liệu xây dựng; Cán bộ kỹ thuật tại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kiểm định vật liệu xây dựng, chất lượng công trình. Các đơn vị liên quan đến hoạt động lập và quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Các đơn vị kinh doanh và tư vấn sử dụng trang thiết bị thí nghiệm trong lĩnh vực cơ hoạc đất đá, địa kỹ thuật và công trình xây dựng; Giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp...
Ngành Địa kỹ thuật xây dựng: Mã ngành: 7580211. Chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 30. Mã tổ hợp môn xét tuyển: A00 - Toán, Vật lý, Hóa học; B00 - Toán, Hóa học, Sinh học; D07 - Toán, Hóa học, Tiếng Anh.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2020, ngoài các học bổng hỗ trợ của Nhà trường và tổ chức khác, Khoa sẽ cấp học bổng trị giá 5.000.000 đồng/suất cho 25% số sinh viên trúng tuyển có điểm đầu vào cao nhất; đảm bảo việc làm cho tất cả sinh viên tốt nghiệp của ngành Kỹ thuật Địa chất và Địa kỹ thuật xây dựng.
(Nguồn: Báo Tài nguyên & môi trường)