Tin tức
Nhóm sinh viên Khoa Sinh đoạt giải nhì cuộc thi ý tưởng Tế bào gốc Stem cell innovation.
Từ tháng 10 năm 2015, phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng Tế bào gốc đã ra thông báo về việc tổ chức Cuộc thi ý tưởng Tế báo gốc Stem cell innovation. Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên yêu thích sinh học, công nghệ sinh học đặc biệt là lĩnh vực tế bào gốc trên địa bàn cả nước.
Trong hơn một tháng diễn ra vòng loại, ban tổ chức đã nhận được 173 ý tưởng gửi về tham gia của hơn 200 bạn sinh viên đến từ 13 trường đại học trên cả nước: ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM, ĐH KHTN- ĐHQG HN, ĐH Khoa học, ĐH Huế, ĐH Y Dược Huế, ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, ĐH Văn Lang, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Cần Thơ, ĐH Quốc tế TPHCM. Sau vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn ra 42 ý tưởng xuất sắc bước vào vòng thi bán kết. Vòng bán kết diễn ra vào ngày 14/12/2015 đã chọn ra 6 đội chơi xuất sắc bước tiếp vào vòng chung kết.
Trường Đại học Khoa học, ĐH Huế vinh dự có nhóm sinh viên Trần Hữu Phúc, Trần Thị Xuân Thùy, Ngô Nhật Hoàng lọt vào 6 đội chơi xuất sắc bước vào vòng chung kết với ý tưởng “Hệ thống sản xuất máu nhân tạo đặc biệt”.
Sinh viên Trần Hữu Phúc, Trần Thị Xuân Thùy, Ngô Nhật Hoàng
Đây là lần thứ 2 cuộc thi được diễn ra, theo đánh giá của Ban tổ chức và Ban giám khảo, các đội tham gia cuộc thi năm 2015, được đầu tư cả về chuyên môn lẫn hình thức đã gây nhiều khó khăn cho ban giám khảo trong việc chọn ra quán quân của cuộc thi. Ban giám khảo đã có thời gian hội ý và tranh luận căng thẳng để thống nhất kết quả chung cuộc.
Kết quả của cuộc thi gồm:
- Giải nhất thuộc về Lê Thị Bích Phượng, sinh viên trường ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM với ý tưởng “Tái tạo mô tử cung xơ hóa in vivo nhờ hệ thống phân hủy sinh học collagen/hydrogel”.
- Giải nhì: nhóm sinh viên Trần Hữu Phúc, Trần Thị Xuân Thùy, Ngô Nhật Hoàng, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế với ý tưởng “Hệ thống sản xuất máu nhân tạo đặc biệt”.
- Giải ba: sinh viên Vũ Thanh Thảo, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch với ý tưởng “Sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh điếc tiếp nhận”.
- Các ý tưởng “Sản xuất tổ yến nhân tạo” (Đinh Hoàng Minh, Đỗ Nguyễn Hoàng Long, Trương Thị Cẩm Linh- ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM), “Cảm ứng dòng tế bào gốc ở giai đoạn thoa trùng của Plasmodium falciparum trong điều trị ung thư gan” (Lê Nhật Quỳnh- ĐH Y dược Huế) và “Tiêu diệt đặc hiệu tế bào ung thư bằng protien polybia-mp1 (mp1) chiết xuất từ nọc độc ong bắp cày” (Nguyễn Thị Tuyết- - ĐH KHTN- ĐHQG TP.HCM) đồng giải khuyến khích của cuộc thi.
Ban giám khảo vòng chung kết gồm gồm: - PGS.TS. Hoàng Dũng, Giám đốc trung tâm Mana, Nguyên Trưởng Ban KHCN ĐHQGTPHCM; - PGS.TS. Hoàng Nghĩa Sơn, Giám đốc Viện Sinh Học Nhiệt Đới; - TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều, Phó CN Khoa Y, ĐHQG TPHCM; - PGS.TS Nguyễn Thị Nga (nguyên Viện Trưởng Viện SH Nhiệt đời Việt Nga, hiện CN Khoa CNSH trường ĐH QT Hồng Bàng); - TS. Nguyễn Đức Thái, Trung tâm Y Sinh Phân Tử , ĐH Y Dược TpHCM; - Nhà báo Phan Kim Sơn, Thạc sĩ Truyền thông; - TS. Phạm Văn Phúc, Phó trưởng phòng thí nghiệm NC&U7D Tế bào gốc, Trường ĐHKHTN - TS. Nguyễn Thanh Bình, CN Khoa CNSH ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương. |
Theo PTN tế bào gốc