Tin tức
Hội thảo “Nghiên cứu định hướng giải pháp bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin”
Chiều ngày 15/1, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Marche, Italy tổ chức Hội thảo trực tuyến “Nghiên cứu định hướng giải pháp bảo tồn di sản văn hóa cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin”
Tham dự trực tuyến có: Giáo sư Fausto Pugnaloni, Giáo sư Antonello Alici, Giáo sư Eva Savina Malinverni và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Bách Khoa Marche, Italy;
Đại biểu tham dự hội thảo còn có: Ông Nguyễn Quang Chức - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị; Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Phân viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế; TS. Nguyễn Chí Bảo, Phó Trưởng Ban KHCN & QHQT; TS. Phan Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH; lãnh đạo Phòng KHCN – HTQT và các đơn vị thuộc Trường ĐHKH; PGS.TS.Hoàng Văn Hiển, Chủ nhiệm đề tài và các thành viên Ban Chủ nhiệm và thành viên tham gia đề tài hợp tác giữa hai trường.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài Nghị định thư mã số NĐT/IT/22/17 do PGS.TS. Hoàng Văn Hiển làm chủ nhiệm và Trường ĐHKH, Đại học Huế chủ trì. Đây là dịp để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và nhóm thành viên đề tài gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kiến thức cũng như những hiểu biết sâu sắc liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của hệ thống di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch và ứng dụng kỹ thuật - công nghệ của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Cố đô Huế.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phan Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường mong rằng thông qua các tham luận và trao đổi tại hội thảo sẽ đóng góp cho chúng ta nhiều kiến thức và hiểu biết trong lĩnh vực này về học thuật cũng như thực tiễn. Ngoài ra, Thầy cũng bày tỏ vui mừng về sự hợp tác bền vững giữa Trường ĐHKH và Trường Đại học Bách Khoa Marche trong những năm qua. Và đây cũng chính là tiền đề cho việc mở rộng sự hợp tác đó không chỉ giữa hai trường mà còn giữa các đối tác khác trên nhiều lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm, đặc biệt về di sản văn hoá và nhiều vấn đề liên quan như phát triển du lịch, ứng dụng kỹ thuật - công nghệ...
Hội thảo gồm 8 tham luận tập trung vào nghiên cứu định hướng giải pháp bảo tồn di sản văn hóa như: ứng dụng viễn thám và GIS trong đánh giá mức độ rủi ro lũ lụt đối với các di tích văn hoá tại thành phố Huế, miền Trung Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về tình trạng môi trường của các cảnh quan tự nhiên trong Hệ thống Đầm Tam Giang - Cầu Hai; Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn di tích Quảng Bình Gate; Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải ; Giữa sinh thái học và sinh thái học triết lý: Những bản sắc văn hóa giữa con người và môi trường tại Miền Trung Việt Nam; Du lịch và phát triển bền vững các hệ thống đầm ở Miền Trung Việt Nam dưới góc nhìn Địa chất và Địa kỹ thuật: Nghiên cứu điển hình về Đầm Tam Giang - Cầu Hai….
Các tham luận và ý kiến chuyên sâu tại hội thảo đã tạo ra một diễn đàn sôi nổi, giúp làm rõ các vấn đề bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển du lịch. Những ý tưởng và giải pháp được đưa ra không chỉ mang tính thực tiễn cao mà còn đóng góp vào việc xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa của vùng đất miền Trung. Hội thảo cũng đã tạo cơ hội để các nhà khoa học, lãnh đạo và các đơn vị liên quan trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản.
Đề tài Nghị định thư giữa Trường ĐHKH, Đại học Huế và Đại học Bách khoa Marche, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2025. Nhóm đề tài đang tích cực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của dự án. Một trong những hoạt động quan trọng là chuyến đi đến Ý vào cuối tháng 3 năm 2025, nhằm trao đổi các kết quả nghiên cứu đạt được trong khuôn khổ hợp tác giữa hai trường đại học, đồng thời chuẩn bị cho việc đánh giá dự án từ phía Việt Nam.
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS. Hoàng Văn Hiển, chủ nhiệm đề tài cam kết sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác, đóng góp vào thành công của dự án. Để hoàn thành các bước tiếp theo, nhóm đề tài rất mong nhận được sự hỗ trợ và hợp tác từ các bên liên quan, đặc biệt là Đại sứ quán Ý tại Việt Nam và các đồng nghiệp tại Đại học Bách khoa Marche. Mong rằng với sự đồng hành của các đối tác, dự án sẽ đạt được những kết quả xuất sắc, góp phần vào sự phát triển của giáo dục, khoa học và bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam.
Một số hình ảnh: