Thông báo

Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS sẽ được thực hiện từ tháng 7-11/2019

Đó là một trong các kết luận của phiên họp thứ nhất Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 4/1/2019. Tại phiên họp này, Thường trực HĐGSNN đã thảo luận dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐGSNN, Hội đồng GS ngành, liên ngành, Hội đồng GS cơ sở và dự kiến kế hoạch triển khai quy trình xét đạt chuẩn GS, PGS năm 2019. 

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1814/QĐ-TTg về việc thành lập HĐGSNN nhiệm kỳ 2018-2023. Theo đó, GS.TS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng; GS.TS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo kế hoạch công tác năm 2019, HĐGSNN sẽ tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy của Hội đồng gồm Hội đồng GS ngành, liên ngành; HĐGSNN; Văn phòng HĐGSNN. Các thành viên Hội đồng GS ngành, liên ngành dự kiến sẽ được lựa chọn từ các cơ sở giáo dục đại học, các Hội đồng GS nhiệm kỳ trước, các Hội nghề nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, đặc biệt sẽ ứng dụng phần mềm bầu chọn thành viên online. 

Trước tháng 7/2019, Văn phòng HĐGSNN sẽ xây dựng các văn bản hướng dẫn và quy trình xét công nhận đạt chuản chức danh GS, PGS; xây dựng cổng thông tin của HĐGSNN; xây dựng phần mềm đăng ký online cho các ứng viên; xây dựng phần mềm đánh giá, xếp hạng online các tạp chí khoa học của Việt Nam để tính điểm các bài báo khoa học của ứng viên…

Bắt đầu từ năm 2019, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm, hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/10/2018).

(Nguồn tin: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=5771)

Trích quy định về Hội đồng Giáo sư cơ sở trong Quyết định 37/2018/QĐ-TTg

Điều 12. Tổ chức xét tại cơ sở giáo dục đại học

1. Thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở tại cơ sở giáo dục đại học

a) Hàng năm, căn cứ nhu cầu xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định việc thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở;

b) Hội đồng Giáo sư cơ sở có từ 09 đến 15 thành viên. Để có đủ số lượng thành viên, cơ sở giáo dục đại học có thể mời giáo sư, phó giáo sư ở trong và ngoài nước tham gia hoặc có thể liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở;

c) Hội đồng Khoa học và Đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đề cử thành viên tham gia Hội đồng Giáo sư cơ sở công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở. Căn cứ danh sách đề cử, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 17 Quyết định này để thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở;

d) Sau khi quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học tổ chức họp Hội đồng Giáo sư cơ sở phiên thứ nhất để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký hội đồng (Mẫu số 10 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này). Căn cứ kết quả bầu, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học ra quyết định bổ nhiệm các chức danh trên;

đ) Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng;

e) Hội đồng Giáo sư cơ sở có nhiệm kỳ 01 năm. Người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, thiết bị, kinh phí, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho Hội đồng Giáo sư cơ sở hoạt động.

2. Trình tự xét tại cơ sở giáo dục đại học

a) Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức thu nhận hồ sơ của ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư;

b) Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức rà soát hồ sơ của ứng viên, xét các điều kiện theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 Quyết định này, phân công thành viên Hội đồng hoặc mời các giáo sư, phó giáo sư ở trong nước hoặc nước ngoài để thẩm định;

c) Mỗi thành viên có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý, sự chuẩn xác của hồ sơ; các văn bản sao chụp; thâm niên đào tạo và các kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của ứng viên và viết phiếu thẩm định có ký tên, nêu rõ ưu, nhược điểm của từng hồ sơ (Mẫu số 05 Phụ lục số II ban hành kèm theo Quyết định này). Căn cứ phiếu thẩm định, Hội đồng Giáo sư cơ sở quyết định danh sách những ứng viên đủ điều kiện để trình bày báo cáo khoa học tổng quan;

d) Ứng viên trình bày báo cáo khoa học tổng quan. Các thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở trao đổi, thảo luận công khai, dân chủ về hồ sơ của ứng viên; trao đổi trực tiếp với ứng viên về những nội dung trình bày trong báo cáo khoa học tổng quan và các nội dung liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ của ứng viên;

đ) Hội đồng Giáo sư cơ sở phối hợp với cơ sở giáo dục đại học tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và khả năng giao tiếp tiếng Anh của từng ứng viên;

e) Thông qua danh sách những ứng viên đủ điều kiện để đề nghị Hội đồng Giáo sư nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm (Mẫu số 11 Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này). Mỗi hồ sơ của ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu của tổng số thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở.

3. Công khai kết quả xét của Hội đồng Giáo sư cơ sở

Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở tổ chức tổng hợp kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và báo cáo kết quả xét lên người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học. Sau khi công khai ít nhất 15 ngày, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học báo cáo kết quả xét lên Hội đồng Giáo sư nhà nước.

Theo ĐH Huế

Người đăng: Administrator

Thông tin tuyển sinh

Tìm hiểu thông tin tuyển sinh và nộp hồ sơ

Chương trình ERASMUS+

Phát triển chương trình đào tạo Thạc sĩ Sinh thái nông nghiệp