Giới thiệu
VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA KHOA HÓA | ||
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC, ĐẠI HỌC HUẾ | ||
Tháng 3 năm 1957, Viện Đại học Huế được thành lập gồm 4 Phân khoa Đại học: Khoa học, Văn khoa, Sư phạm, và Luật khoa. Ban Lý - Hóa, tiền thân của Khoa Hóa học hiện nay, là một trong ba Ban đầu tiên của Phân ban Khoa học của Viện Đại học Huế lúc bấy giờ, gồm: Ban Lý - Hóa, Ban Toán - Cơ, và Ban Vạn vật. | ||
Tháng 10 năm 1976, trường Ðại học Tổng hợp Huế được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Phân khoa Khoa học và Văn Khoa của Viện Ðại học Huế trước đây với Khoa ghép là Toán - Lý, Hoá - Sinh - Ðịa, Văn - Sử - Ngoại ngữ. Năm 1980, Khoa Hóa học được tách ra từ Khoa Hoá - Sinh - Ðịa với cơ cấu 2 Bộ môn, gồm: Hóa Lý và Hóa Hữu cơ. Giai đoạn 1982 - 1990, Khoa Hóa phát triển thành 5 Bộ môn bao gồm Hóa Lý, Hóa Hữu cơ, Hóa Vô cơ, Hóa Phân tích, và Hóa Kỹ thuật. | ||
Từ năm 1990, Khoa Hóa chuyển từ khu Morin về số 27 Nguyễn Huệ (nhà D - 77 Nguyễn Huệ). Qua nhiều lần sắp xếp lại nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thay đổi cơ cấu tổ chức các Bộ môn trực thuộc nhằm đáp ứng với yêu cầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đến năm 2020 Khoa Hóa ổn định với 3 Bộ môn là Hóa Lý, Hóa Hữu Cơ - Hóa Vô cơ và Hóa Phân tích. | ||
Đến tháng 01 năm 2020, Khoa Hóa có 3 Bộ môn và 29 cán bộ. Trong đó có 2 Giáo sư, 6 Phó Giáo sư, 7 Tiến Sĩ, 12 Thạc sĩ, và 2 cử nhân. | ||
Tháng 3 năm 1957, cơ sở đào tạo đại học đầu tiên của Miền Trung - Viện Đại học Huế được thành lập gồm 4 Phân khoa đại học: Khoa học, Văn khoa, Sư phạm và Luật khoa. Phân khoa Khoa học nằm ở tầng trệt của khách sạn Morin (số 02 Duy Tân, nay là số 30 Lê Lợi, TP. Huế). Lúc bấy giờ, Phân khoa Khoa học chỉ có 03 ban: Toán - Cơ, Lý - Hóa và Vạn vật. Trong những ngày đầu mới thành lập, đội ngũ giảng viên của ban Lý - Hóa (tiền thân của Khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Huế hiện nay) gồm có: KS. Tôn Thất Hanh (Vô cơ), DS. Lê Đình Phòng (Hữu cơ), TS. Bùi Nam (Hóa lý) và Kỹ thuật viên pha chế Nguyễn Di - phụ trách phòng thí nghiệm. Do điều kiện khó khăn về nhân lực nên đa số giảng viên giảng dạy ban Lý - Hóa thời kỳ đó đều là giảng viên thỉnh giảng. Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh nên Khóa đầu tiên (1957-1958) của Viện Đại học Huế lúc bấy giờ chỉ có 670 sinh viên, trong đó số sinh viên theo học ban Lý - Hóa khoảng 30 người. | |
![]() |
![]() |
Đại học Khoa học, Viện Đại học Huế (cơ sở Morin, trước 1975) | Phòng thí nghiệm hóa học của Ban Lý-Hóa, Đại học Khoa học, Viện Đại học Huế (trước 1975) |
Từ con số giảng viên, sinh viên khiêm tốn những ngày đầu thành lập, giai đoạn từ 1957 đến 1975, đội ngũ giảng viên đã được bổ sung thêm những tên tuổi như: TS. Bùi Thế Phiệt (Hữu cơ), TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hữu cơ), ThS. Võ Thị Hồng Yến (Phân tích), CN. Nguyễn Bào, CN. Lê Văn Hải (phân tích), CN. Ngô Quang Hải (Vô cơ), CN. Phạm Đình Hội, CN. Nguyễn Thị Phương Liên (Hóa sinh), CN. Lê Hữu Phú (Trưởng PTN Hóa lý), DS. Võ Thị Hạnh Phước (Hữu cơ), CN. Đặng Xuân Khải (Phân tích), CN. Huỳnh Tăng Long (Hữu cơ)… Năm 1969, nắm bắt được nhu cầu phát triển cũng như đòi hỏi của xã hội, ban Lý - Hóa mở thêm ngành Hóa học ứng dụng. | |
Sau ngày đất nước thống nhất, tháng 10 năm 1976, trường Ðại học Tổng hợp Huế được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Phân khoa Khoa học và Văn Khoa của Viện Ðại học Huế trước đây – mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của các trường Đại học ở cố đô Huế. Trong buổi đầu của Đại học Tổng hợp Huế ngày đó, trường có 03 khoa ghép là Toán - Lý, Hoá - Sinh - Ðịa, Văn - Sử - Ngoại ngữ với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Trong số thế hệ những giảng viên đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Huế sau ngày thành lập, TS. Hoàng Đức Đạt được giao nhiệm vụ chủ nhiệm khoa Hóa – Sinh – Địa, kiêm phụ trách ngành Sinh học, thầy Phan Văn Quảng phụ trách ngành Hoá học và thầy Võ Văn Đạt phụ trách ngành Địa. Ngành Hoá học lúc này mới chỉ gồm 02 bộ môn: Vô cơ - Phân tích (do thầy Tôn Thất Hanh làm trưởng bộ môn) và Hoá lý - Hữu cơ (do Cô Trương Thị Tường Vy làm trưởng bộ môn). Những sinh viên đang học ở Phân khoa Khoa học trước 1975, sau ngày đất nước thống nhất, tiếp tục học ở trường Đại học Tổng hợp Huế, gọi là các khóa chuyển tiếp. Ngành Hóa có 03 khóa chuyển tiếp (gồm 05 lớp). Năm 1977, trường Đại học Tổng hợp Huế tuyển sinh khóa đầu tiên, chào đón thế hệ sinh viên đầu tiên của nhà trường. Lớp Hóa K1 (niên khóa 1977-1981) có 42 sinh viên. | |
Năm 1980, do đặc thù riêng của mỗi ngành đào tạo khác nhau, khoa ghép Hoá - Sinh - Ðịa được tách thành 3 khoa: Hoá học, Sinh học và Ðịa lý - Ðịa chất. Lúc này, Khoa Hóa học vẫn gồm 02 bộ môn: Vô cơ - Phân tích (thầy Tôn Thất Hanh làm trưởng bộ môn) và Hoá lý - Hữu cơ (cô Trương Thị Tường Vy làm trưởng bộ môn), chủ nhiệm khoa và phó chủ nhiệm khoa lúc bây giờ là thầy Phan Văn Quảng và thầy Lê Văn Hinh. | |
Năm 1982, sau hai năm tách thành Khoa riêng biệt, lúc này, nhà trường cũng như Khoa đã đón nhận thế hệ sinh viên thứ năm, do yêu cầu phát triển, Khoa Hóa được cơ cấu lại thành 04 bộ môn: Phân tích, Vô cơ, Hóa lý và Hữu cơ lần lượt do các thầy Lê Bá Thừa, thầy Tôn Thất Hanh, cô Trương Thị Tường Vy và thầy Lê Văn Hinh làm trưởng bộ môn. Trưởng khoa và phó trưởng khoa giai đoạn 1982-1985 là TS. Lê Văn Hinh và TS. Lê Bá Thừa. | |
![]() |
![]() |
Khoa Hóa học (Nhà D, 77 Nguyễn Huệ, Huế, 2012) | Cán bộ Khoa Hóa học (2012) |
Giai đoạn 1985-1988, Khoa Hóa vẫn được cơ cấu gồm 04 bộ môn: Phân tích, Hữu cơ, Hóa lý và Vô cơ lần lượt do các thầy Lê Bá Thừa, thầy Huỳnh Tăng Long, thầy Trương Đình Mậu và thầy Tôn Thất Hanh làm trưởng bộ môn. Trưởng khoa và phó trưởng khoa giai đoạn 1985-1988 là thầy Lê Bá Thừa và thầy Lê Thanh Sơn. | |
Giai đoạn 1988-1991, Khoa Hóa phát triển thành 5 Bộ môn: Phân tích, Vô cơ, Hóa Lý, Hữu cơ và Hóa Kỹ thuật lần lượt do thầy Nguyễn Văn Hợp, thầy Tôn Thất Hanh, thầy Trần Thái Hòa, thầy Huỳnh Tăng Long và thầy Lê Phú Nhơn làm trưởng bộ môn. Trưởng khoa và phó trưởng khoa thời gian này là thầy Lê Thanh Sơn và thầy Nguyễn Xuân Khoa. Cũng trong thời kỳ này, năm 1990, một sự kiện quan trọng đã diễn ra, Khoa Hóa chuyển từ khu Morin về số 27 Nguyễn Huệ (nhà D - 77 Nguyễn Huệ hiện nay) bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. | |
Giai đoạn 1991-1995, trưởng khoa và phó trưởng khoa là các thầy Nguyễn Xuân Khoa và thầy Nguyễn Văn Hợp, các trưởng bộ môn: Phân tích, Hữu cơ, Hóa lý, Vô cơ lần lượt là các thầy Nguyễn Văn Hợp, thầy Huỳnh Tăng Long, thầy Trần Thái Hoà và cô Trần Thị Ái Hoa. Trưởng bộ môn Hóa Kỹ thuật là thầy Lê Phú Nhơn (1991-1992) và sau đó là thầy Trần Xuân Mậu. | |
Giai đoạn 1995-2001, cùng với sự phát triển của xã hội, Khoa cũng tiến hành sắp xếp lại nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tháng 5/1997, khoa Hoá cơ cấu lại thành 03 bộ môn: Vô cơ - Phân tích do thầy Hoàng Thái Long làm trưởng bộ môn, Hữu cơ - Kỹ thuật do cô Phạm Thị Hòa (1997-1999) và sau đó do thầy Trần Xuân Mậu làm trưởng bộ môn, Hoá lý do thầy Trần Thái Hoà làm trưởng bộ môn. Ngoài các phòng thí nghiệm (PTN) cơ bản phục vụ công tác đào tạo, khoa còn xây dựng thêm 04 PTN định hướng: Hóa Môi trường, Vật liệu Vô cơ, Hợp chất thiên nhiên và Điện hóa ứng dụng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phát triển thế mạnh của khoa. Trưởng khoa và phó trưởng khoa giai đoạn này là thầy Nguyễn Xuân Khoa và thầy Nguyễn Văn Hợp. | |
Giai đoạn 2001-2005, trưởng khoa và phó trưởng khoa là thầy Nguyễn Văn Hợp và thầy Hoàng Thái Long, trưởng các bộ môn: Vô cơ - Phân tích, Hữu cơ - Kỹ thuật và Hóa lý lần lượt là cô Phan Thị Hoàng Oanh, cô Trần Thị Văn Thi và thầy Trần Thái Hòa. Lúc này, PTN định hướng Điện hoá ứng dụng đổi tên thành PTN Hoá lý ứng dụng. Tháng 6/2004, bộ môn Hữu cơ - Kỹ thuật đổi tên thành bộ môn Hữu cơ. | |
Giai đoạn 2005-2009, trưởng khoa và phó trưởng khoa là các thầy Nguyễn Văn Hợp và Hoàng Thái Long tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Trưởng các bộ môn: Hữu cơ và Hóa lý lần lượt là cô Trần Thị Văn Thi và thầy Trần Thái Hòa. Bộ môn Vô cơ - Phân tích do cô Phan Thị Hoàng Oanh (2005-2007) và sau đó là thầy Trần Ngọc Tuyền làm trưởng bộ môn. | |
![]() |
![]() |
Phòng thí nghiệm Hóa học hữu cơ (2011) | Phòng thí nghiệm Hóa học hữu cơ (2011) |
Từ 2009 đến 2015, trưởng khoa và phó trưởng khoa là thầy Hoàng Thái Long và cô Trần Thị Văn Thi, trưởng các bộ môn: Hữu cơ, Hóa lý, Vô cơ - Phân tích lần lượt là cô Nguyễn Thị Thu Lan, thầy Trần Thái Hòa và thầy Trần Ngọc Tuyền. Tháng 02/2012, do quy mô đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học ngày càng tăng, bộ môn Vô cơ - Phân tích tách thành 02 bộ môn: Vô cơ (thầy Trần Ngọc Tuyền làm trưởng bộ môn) và Phân tích (thầy Nguyễn Hải Phong làm trưởng bộ môn). | |
Từ 2015 đến nay, trưởng khoa và phó trưởng khoa là thầy Hoàng Thái Long và cô Nguyễn Thị Ái Nhung, trưởng các bộ môn: Hữu cơ, Hóa lý, Vô cơ - Phân tích lần lượt là cô Trần Thị Văn Thi, thầy Đinh Quang Khiếu, thầy Trần Ngọc Tuyền và thầy Nguyễn Hải Phong. | |
Đội ngũ cán bộ Khoa Hóa hiện nay gồm 28 người, trong đó có 01 Giáo sư, 06 Phó giáo sư, 07 Tiến sĩ, 12 Thạc sĩ và 02 Cử nhân, trong số giảng viên có nhiều cựu sinh viên đã trưởng thành từ chính Khoa Hóa. Chương trình đào tạo của Khoa Hóa hiện tại gồm các bậc: Tiến sĩ (chuyên ngành Hóa lý - Hóa lý thuyết, Hóa Hữu cơ và Hóa phân tích), Thạc sĩ (04 chuyên ngành: Hóa lý - Hóa lý thuyết, Hóa Hữu cơ, Hóa Phân tích và Hóa Vô cơ), Cử nhân Khoa học (07 chuyên ngành: Hóa lý, Hóa Hữu cơ, Hóa Phân tích, Hóa Môi trường, Hóa Vô cơ, Hóa kỹ thuật, Hóa dầu) và Phổ thông trung học (khối chuyên Hóa). | |
Từ năm 1976 đến nay, Khoa Hoá đã và đang đào tạo được 38 Tiến sĩ, 195 Thạc sĩ, 1632 Cử nhân Hóa học (1525 Cử nhân hệ chính quy và 107 Cử nhân hệ mở rộng), 126 học sinh khối chuyên Hóa. Gắn liền với công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm của Khoa Hóa và là một trong những đơn vị có nhiều thành tích nổi bật về nghiên cứu khoa học của nhà trường và Đại học Huế. Từ 1976 đến nay, khoa Hoá đã và đang thực hiện trên 240 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các lĩnh vực: hoá học phân tích, môi trường, tổng hợp vật liệu, vật liệu vô cơ, hợp chất tự nhiên, điện hoá... Trong đó, số đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Nhà nước: 24, cấp Bộ: 41, cấp Tỉnh: 15, cấp Đại học Huế: 13, cấp Trường: 53, NCKH học viên cao học : 6, NCKH sinh viên: 78, đề tài ứng dụng đã triển khai: 10. | |
![]() |
![]() |
Giảng viên & Sinh viên Khoa Hóa học thăm Trường ĐH Ubon Ratchathani (Thái Lan) | Giáo sư trường ĐH Graz (Áo) giảng dạy chuyên đề ở Khoa Hóa học |
Không chỉ phục vụ giảng dạy và nghiên cứu Khoa học, nhiều đề tài đã được áp dụng vào thực tế phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và khu vực như: tẩy trắng mặt mây xuất khẩu, tinh chế hoá chất, nghiên cứu đánh giá hệ sinh thái và môi trường vùng hạ lưu một số sông chính ở khu vực miền Trung phục vụ phát triển bền vững, mạ đồng - niken - crôm, chưng cất và tinh chế tinh dầu (tràm, xá xị), sản xuất glucosamin từ vỏ tôm, tách chiết các hợp chất hữu cơ có hoạt tính sinh học từ các loài thực vật có giá trị ở miền Trung (nấm linh chi, rong nâu...), tổng hợp vật liệu nano (TiO2, ZnO, SnO2, Ag, Au…), vật liệu mao quản trung bình (SBA-15, MCM-41), sản xuất vật liệu zeolite 4A từ tro trấu, vật liệu chịu lửa bền nhiệt mullite-cordierite từ cao lanh và talc, phụ gia xi măng, vật liệu gốm sứ, chất màu vô cơ... Đến nay, Khoa Hóa đã có trên 300 bài báo được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, tạp chí khoa học chuyên ngành, tạp chí đại học vùng, kỷ yếu hội nghị quốc tế và quốc gia. | |
Bên cạnh đào tạo và nghiên cứu Khoa học, hợp tác quốc tế cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của khoa nhằm mục đích đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ và hợp tác nghiên cứu. Khoa đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều dự án hợp tác quốc tế: Dự án Đầm phá Việt - Pháp (1998-2003), Chương trình hợp tác các Đại học trọng điểm Việt - Nhật về Khoa học và Công nghệ Môi trường (1998-2008), Dự án hợp tác Việt Nam - Hà Lan về quản lý tổng hợp vùng ven bờ (2001-2003), Dự án quản lý tổng hợp các hoạt động vùng đầm phá Thừa Thiên Huế do FAO tài trợ (2006-2008), Dự án phục hồi thí điểm đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng chất độc da cam ở tỉnh Quảng trị do ADB tài trợ (2006), Chương trình VLIR-IUC Đại học Huế - Dự án 3: "Bảo tồn hệ sinh thái ven bờ dưới tác động của các hoạt động phát triển " (Từ 2014). | |
Từ những ngày đầu thành lập đến nay, Khoa Hóa trường Đại học Khoa học Huế đã tròn 60 tuổi, một chặng đường dài đã ghi dấu ấn của biết bao thế hệ thầy cô và sinh viên làm nên một Khoa Hóa ngày nay với bề dày truyền thống tốt đẹp. Trải qua biết bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, cơ cấu tổ chức nhiều lần thay đổi, thế nhưng Khoa Hóa vẫn luôn là mái nhà chung của nhiều thế hệ thầy cô tâm huyết, tận tụy với nghề, là điểm xuất phát của nhiều thế hệ sinh viên để từ đây vững bước vào đời, mang theo kiến thức làm hành trang, đã và đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước. Hôm nay, dù các thế hệ sinh viên những ngày đầu ấy đã trưởng thành, có những người tóc đã ngả bạc, những thầy cô ngày ấy người còn, người đã đi xa, thế nhưng dù đi xa hay ở lại, các thế hệ thầy và trò Khoa Hóa vẫn đang chung lòng góp sức “vì sự phát triển của Khoa Hóa học” thân yêu. | |