Nhóm sinh viên Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đạt Giải Ba Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học - Euréka lần thứ 22 năm 2020.
Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu Khoa học - Euréka là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc, góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường. Chương trình do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng với Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Cục công tác Phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Năm 2020, Giải thưởng đã thu hút 114 trường đại học, cao đẳng, học viện đến từ 29 tỉnh, thành trong nước với 1.011 đề tài của 2.734 thí sinh tham gia.
Vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe và vòng bán kết giải thưởng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên Khoa Sinh, Trường ĐHKH, ĐH Huế gồm em Phan Thị Thảo Nguyên, Tống Văn Bảo Thạnh, Nguyễn Tiến Đạt, Ma Kim Đăng và Hồ Nhật Quang đã dành được Giải Ba trong số 121 đề tài đạt giải/1.011 đề tài tham gia. Với tên đề tài là “Đánh giá ảnh hưởng kích thích sinh trưởng thực vật của dịch chiết vi khuẩn lam (Arthrospira sp.) có khả năng sinh indole-3-acetic acid (IAA).
Thông tin về đề tài Vi khuẩn lam được biết là vi sinh vật quang tự dưỡng thải O2, phân bố rộng rãi trong đất và nước. Một số chủng vi khuẩn lam còn có khả năng cố định nitơ phân tử cao và tạo nên các thảm vi khuẩn lam là những lớp mùn tự nhiên cho đất, ngoài ra chúng cũng có khả năng tổng hợp các chất điều hòa sinh trưởng cho cây trồng chẳng hạn như auxin. Những đặc điểm nổi trội này của vi khuẩn lam đã góp phần quan trọng duy trì sự bền vững của các hệ sinh thái nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hướng nghiên cứu sử dụng vi khuẩn lam như một giải pháp sinh học cải tạo đất và cây trồng vẫn chưa thực sự được chú ý. Trong đó, Arthrospira sp. là chủng vi khuẩn lam tiềm năng sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học đang ngày càng được chú ý và nghiên cứu rộng rãi. Kết quả nghiên cứu đã xác định được Arthrospira sp. sinh trưởng cực đại sau 18-20 ngày nuôi cấy ở điều kiện nuôi cấy tĩnh trong bình 50 mL. Vi khuẩn lam Arthrospira sp. sinh trưởng tốt nhất ở điều kiện pH 7,5 là điều kiện thích hợp nhất để thu được sinh khối cao và hàm lượng IAA đạt giá trị cao. Bước đầu đánh giá tác động của dịch chiết tảo cho thấy chúng có vai trò như là một loại phân bón giúp kích thích nảy mầm và sinh trưởng của cây đậu và lúa. Sử dụng phân bón sinh học từ dịch chiết vi khuẩn lam được xem là một giải pháp tối ưu được áp dụng cho các sản phẩm nông sản sạch, an toàn và thân thiện với môi trường. |