Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Khoa Toán
GIỚI THIỆU KHOA TOÁN - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

Ngành Toán của Đại học Khoa học Huế là một trong những ngành ra đời sớm nhất ở Viện Đại học Huế, đồng thời với sự thành lập Viện Đại học Huế vào ngày 1 tháng 3 năm 1957. Vì Huế là địa phương đào tạo đại học thứ hai ở Miền Nam Việt Nam sau Sài Gòn nên việc tuyển dụng lực lượng giảng viên ban đầu rất khó khăn. Khi thành lập chỉ có một người đủ tiêu chuẩn giảng dạy là Thầy Nguyễn Văn Hai, cử nhân toán, đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc học chánh Trung phần. Việc giảng dạy toán trong thời gian đầu đã phải cần đến sự trợ giúp của các Giáo sư từ Viện Đại học Sài Gòn và từ nước ngoài. Với một nỗ lực diệu kỳ, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng cách tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc những khóa đầu, kết hợp với việc kêu gọi sự trở về phục vụ quê hương của các sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài mà lực lượng giảng viên ngành toán ngày càng phát triển với chất lượng cao. Cụ thể đến năm 1975, đã có khoảng 15 giảng viên, là những thành phần ưu tú của dãi đất Miền Trung, chắt lọc được trong 18 năm xây dựng và phát triển.

                                     Đại học Khoa học và Đại học Văn Khoa trước 1975

Sau 1975, việc giảng dạy tại Đại học Khoa học bị gián đoạn, chỉ có sinh viên khóa 1974 được tiếp tục học để tốt nghiệp vào năm 1978 (khóa chuyển tiếp). Một số sinh viên ngành Tạo Tác được chuyển vào học và tốt nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

                Cựu cán bộ Khoa Toán Lý, Đại học Tổng Hợp Huế (Ảnh của thầy Ngô Thế Phiệt)

Tháng 10 năm 1976, Trường Đại học Tổng hợp Huế được thành lập trên cơ sở sát nhập Đại học Khoa học và Đại học Văn Khoa của Viện Đại học Huế. Khoa Toán – Lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Huế cũng được hình thành, với sự tiếp nhận đội ngũ giảng viên toán còn lại của Đại học Khoa học (dưới 10 người) và bổ sung một số cán bộ được đào tạo từ Hà Nội và các nước thuộc khối Đông Âu. Tháng 6 năm 1988, Khoa Toán – Cơ – Tin học được chính thức tách ra từ Khoa Toán – Lý và cấu tạo thành 3 Bộ môn: Toán lý thuyết, Toán ứng dụng và Cơ học.

Năm 1994 Đại học Huế được tái thành lập và Đại học Tổng hợp Huế được đổi tên là Đại học Khoa học, trở lại là thành viên của Đại học Huế. Lúc này ngành Cơ học không còn được đào tạo nên đến năm 1996 Khoa được sắp xếp lại thành 4 Bộ môn: Giải tích, Đại số, Toán ứng dụng và Xác suất Thống kê.

                                                        Trường Đại học Khoa học Huế

Từ ngày thành lập đến nay, lực lượng cán bộ ngành toán thường xuyên biến động. Ban đầu là do thời cuộc đổi thay. Sau này thì do nhu cầu thành lập các khoa, bộ môn mới cho trường và Đại học Huế mà một số cán bộ của khoa đã lần lượt điều chuyển về Khoa Công nghệ Thông tin, Bộ môn Kiến trúc và Trường Đại học Kinh tế. Nhiều cán bộ có trình độ khác được điều chuyển để nhận các trọng trách trong Đại học Huế hoặc về công tác các địa phương khác như Tp.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng... Tuy vậy với một nổ lực không mệt mỏi, khoa luôn tạo điều kiện để cán bộ tự nâng cao trình độ bằng mọi cách, kết hợp vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, với lực lượng năm 1957 chủ yếu là Cử nhân và Thạc sĩ, năm 1975 chỉ có 1 Tiến sĩ, qua hơn 40 năm tiếp tục xây dựng và trưởng thành, khoa đã tự đào tạo thêm được 30 tiến sĩ trong đó có 8 PGS. Rõ ràng đó là một thành quả không nhỏ, đặc biệt là khoa lại nằm ở một tỉnh Miền Trung, xa hai trung tâm lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

                                                   Ảnh chụp dịp Hội Khoa năm 2012

                                                                          Hội Khoa 60 năm - 2017

Qua hơn 60 năm đào tạo, nhiều thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Toán đã hòa nhập được với môi trường thực tế và có thể tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục đào tạo, tài chính, ngân hàng, kế toán, bưu điện, công nghệ thông tin.

Khoa Toán là một trong những đơn vị của trường thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ, cấp Cơ sở thường xuyên được triển khai và những kết quả nghiên cứu đã được công bố trên hàng trăm bài báo, được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tạp chí thuộc hệ thống ISI. Nhiều cán bộ của khoa thường xuyên đi trao đổi chuyên môn hoặc giảng dạy tại các trường đại học hoặc viện nghiên cứu nước ngoài.

Hàng chục giáo trình và sách chuyên khảo có chất lượng cao do cán bộ của khoa biên soạn đã lần lượt được xuất bản để phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu.