Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Khoa Xã hội học và Công tác xã hội
Triển vọng nghề nghiệp và cơ hội việc làm

Mỗi ngành nghề ra đời và tồn tại đều có vị trí và sứ mệnh riêng của mình trong xã hội và nghề công tác xã hội cũng không ngoại lệ. Có thể với khía cạnh là một nghề nghiệp, công tác xã hội ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và lạ lẫm với nhiều người nhưng chắc chắn không bao lâu nữa, công tác xã hội sẽ đi đến đúng vị trí của nó với những nỗ lực không ngừng của những người làm công tác xã hội. Mọi người sẽ hiểu và biết đến công tác xã hội với vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

ThS. Nguyễn Trung Hải cho rằng: “Triển vọng phát triển nghề CTXH tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ phát triển theo lộ tuyến từ mơ hồ thành rõ nét, từ không chuyên chuyển sang chuyên nghiệp với nhưng quy chuẩn đạo đức và kỹ năng chuyên môn tác nghiệp nhờ đi tắt, đón đầu kế thừa tri thức nghề CTXH của thế giới và phát triển truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.”( http://molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=20899)

“Theo khung quốc tế, trung bình 1.000 dân cần có 1 nhân viên CTXH, 500 dân phải có 1 nhân viên bán chuyên nghiệp. Như vậy, Việt Nam cần khoảng 300.000 nhân viên CTXH chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Tuy nhiên cả nước mới có khoảng 70.000 nhân viên CTXH cả đào tạo và chưa đào tạo, như vậy nhân lực ngành CTXH mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu đặc biệt là nhân lực cấp xã, cấp cơ sở..” (https://congtacxahoi.net/viet-nam-can-300-000-nhan-vien-cong-tac-xa-hoi/)

Vậy, học Công tác xã hội, bạn có thể làm việc trong những lĩnh vực nghề nghiệp nào?

Công tác xã hội là một nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ xã hội với sứ mạng chính là thúc đẩy chất lượng cuộc sống của mọi người và giúp đáp ứng các nhu cầu cơ bản và phức tạp của con người, đặc biệt là những người yếu thế, thiệt thòi,… Để có thể hành nghề công tác xã hội, những người làm công tác xã hội phải được đào tạo tại các cơ sở giáo dục như những người làm nghề khác như nhà giáo, luật sư, bác sĩ… Chính vì vậy, họ cần được trang bị các kiến thức chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng và phương pháp chuyên nghiệp để có thể hỗ trợ con người một cách chuyên nghiệp và bền vững nhất.

Sinh viên Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong một số lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể như sau: 

Lĩnh vực bảo trợ xã hội: Những người làm công tác xã hội thực hiện các nội dung liên quan đến phòng ngừa, trợ giúp các đối tượng yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần… vượt qua những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, ổn định và hòa nhập cộng đồng.

Lĩnh vực trường học: Có nhiều vấn đề trong cuộc sống có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập của học sinh, sinh viên như mâu thuẫn gia đình, bạo lực học đường v.v...  Những người làm công tác xã hội thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục và tham vấn cho học sinh, sinh viên giúp họ vượt qua những khó khăn, nâng cao chất lượng của quá trình dạy và học, kết nối nhà trường với những tổ chức xã hội.Trong nhà trường, các hoạt động công tác xã hội đồng thời có nhiệm vụ hỗ trợ nhà trường trong quản lý, xây dựng chính sách phát triển chung.

Lĩnh vực sức khỏe: Tại các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe, hoạt động công tác xã hội nhằm hỗ trợ y, bác sĩ trong quá trình chăm sóc người bệnh. Các dịch vụ công tác xã hội có vai trò hỗ trợ về mặt tâm lý - xã hội cho các bệnh nhân và gia đình trong việc đối mặt với các tác động của bệnh tật, bao gồm việc đánh giá các khía cạnh xã hội, đóng góp cho bác sĩ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh; cung cấp hỗ trợ tâm lý xã hội cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.

Phát triển cộng đồng:Trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, người làm Công tác xã hội thực hiện vai trò là cán bộ dự án phát triển cộng đồng, trợ lý dự án phát triển cộng đồng hoặc cán bộ truyền thông trong các dự án phát triển, thực hiện các hoạt động trợ giúp cộng đồng nhận diện các vấn đề và hỗ trợ họ tìm những nguồn lực cần thiết để giải quyết vấn tại địa phương.

Nghiên cứu và hoạch định chính sách xã hội:Người làm công tác xã hội tiến hành nghiên cứu các vấn đề xã hội có tác động đến xã hội, hỗ trợ chính quyền xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình an sinh xã hội, đóng vai trò là tham mưu chính sách và cán bộ quản lý chương trình tại các cơ quan nhà nước.

Trên đây là những lĩnh vực cơ bản mà nhân viên xã hội có thể phối hợp với các ban, ngành và các tổ chức chính quyền để có thể đáp ứng được các nhu cầu của cá nhân, nhóm xã hội góp phần xây dựng một xã hội hài hoà và hạnh phúc.

Từ những lĩnh vực làm việc liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội, có thể thấy, sinh viên ngành Công tác xã hội có thể làm việc trong môi trường rất đa dạng: từ các cơ quan hành chính sự nghiệp, các trung tâm, cơ sở xã hội trực thuộc nhà nước đến các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; các công ty, doanh nghiệp xã hội; các cơ sở của tôn giáo, tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực hỗ trợ và phát triển con người với các vị trí việc làm như sau:

  • Cán bộ chuyên trách tại các cơ quan/ tổ chức nhà nước, các cơ quan thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, UNBD các cấp, hoặc
  • Vị trí làm việc độc lập tại Trung tâm/ cơ sở bảo trợ xã hội tại cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội cho các đối tượng xã hội khác nhau,
  • Chuyên viên hỗ trợ tâm lý tại các trung tâm tư vấn, tham vấn
  • Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện, cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe.
  • Giáo viên, cán bộ tại trường học, cơ sở/ trung tâm giáo dục, đào tạo kỹ năng.
  • Chuyên viên các chương trình dự án, tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế.
  • Giảng dạy & nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp.
  • Đặc biệt, sinh viên Công tác xã hội sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế còn có cơ hội được trở thành NHÂN VIÊN XÃ HỘI tại các tập đoàn Phúc lợi xã hội YUTAKA tại Nagoya, Nhật Bản.